Với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, dự kiến vào cuối năm nay, dòng vốn sẽ được lưu chuyển tự do hơn. Bên cạnh những lợi ích và tác động tích cực thì điều này cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt cho hệ thống tài chính - ngân hàng (TCNH) Việt Nam. TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trao đổi với phóng viên TBNH về vấn đề này.
Việc tự do lưu chuyển dòng vốn gắn với AEC như thế nào?
ASEAN muốn xây dựng khu vực trở thành nơi có dòng vốn lưu chuyển tự do hơn. Việc xây dựng AEC là một quá trình đã diễn ra từ lâu, nên việc AEC có hiệu lực vào cuối năm nay chỉ là một cột mốc trong việc thực hiện lộ trình ấy và sau 2015, lộ trình hội nhập vẫn tiếp tục. Như vậy, việc lưu chuyển vốn tự do hơn cũng là quá trình đã diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra chứ không phải chỉ khi AEC có hiệu lực thì cánh cửa cho lưu chuyển dòng vốn mới được mở ra.
Nhưng, nó còn liên quan đến rất nhiều khía cạnh, như ASEAN là khu vực có hấp dẫn để người ta đầu tư không? Dòng vốn này cũng rất liên quan đến dòng hàng hóa thương mại và dịch vụ, tức là vốn đi cùng với dịch chuyển của kinh tế thực. Hay cùng với dòng vốn FDI thì còn có các dòng vốn FII nhờ các kết nối về thị trường vốn, thị trường tài chính (TTTC)... Cho nên, nếu một ASEAN có được liên kết tốt, có sức cạnh tranh và tự do hóa cao thì tất nhiên độ hấp dẫn tốt hơn. Bởi ASEAN cũng phải cạnh tranh với các nước khác, các khu vực khác trong thu hút vốn.
Có hai vấn đề lớn đáng quan tâm. Thứ nhất, trình độ phát triển TTTC, mức độ phát triển của hệ thống NH có sự chênh lệch khá nhiều trong các nước ASEAN. Thứ hai, mức độ mở của cán cân thanh toán quốc tế, cụ thể là độ mở của tài khoản vốn cũng rất khác nhau.
Ví dụ như Singapore thì gần như đã tự do hóa liên quan đến tài khoản vốn, thế nhưng Việt Nam thì vẫn chưa. Tương tự như vậy, nếu nhìn nhóm nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (nhóm CLMV) và nhóm ASEAN 6 thì cũng thấy sự khác biệt.
Sự chênh lệch và khác biệt như ông đề cập có là bước cản với lưu chuyển vốn tự do hơn?
ASEAN đặt mục tiêu phải có sự tự do lưu chuyển vốn, nhưng bước đi như thế nào thì phải thận trọng. Chính vì thế, người ta dùng từ tự do hơn về dịch chuyển vốn chứ không gọi là tự do dịch chuyển vốn. Bởi, dịch chuyển vốn và tài chính bao giờ cũng có rủi ro mang tính dễ lan truyền, rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, còn phải tính đến câu chuyện lớn hơn là liên kết như thế nào giữa ASEAN với khu vực châu Á và giữa ASEAN với toàn cầu vì dòng vốn mang tính toàn cầu. Trong khi đó, bản thân những kết nối, hợp tác về tài chính của khu vực đã có trước đây cũng tiến triển khá chậm. Như vậy, mấu chốt vấn đề là, để hợp tác và liên kết tài chính tốt thì phải chấp nhận thực tế những khác biệt, thận trọng tránh rủi ro có thể phát sinh, trong khi vẫn phải nỗ lực đưa ra các giải pháp để thúc đẩy hợp tác.
Một diễn biến tích cực gần đây là việc ASEAN đã đưa ra được Khung khổ liên kết NH ASEAN. Bản chất của khung khổ này là cho phép tự do hơn trong việc hiện diện của NH thuộc một nước ASEAN này sang một nước ASEAN khác. Theo khung khổ này, không phải tất cả các nước đều phải tham gia ngay mà nước nào cảm thấy mình có thể tiên phong đi trước thì tham gia. Điều này có nghĩa là, các nước thành viên có thể thỏa thuận song phương với nhau hoặc giữa một nhóm nước đi tiên phong hợp tác.
 |
ASEAN muốn xây dựng khu vực trở thành nơi có dòng vốn lưu chuyển tự do hơn |
Vậy với Việt Nam, chúng ta cần làm gì để hội nhập vào quá trình này một cách chủ động?
Về nguyên tắc, với một nền kinh tế mở, nền kinh tế thực từ thương mại đến đầu tư đã có sự hội nhập sâu rộng như Việt Nam thì rõ ràng việc tham gia vào liên kết tài chính, dần tự do hóa tài chính với ASEAN, hay toàn cầu, là cần thiết. Bởi khi tự do hóa tài chính, có sự hiện diện của các định chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam thì bao giờ cũng mang lại mặt tích cực là cạnh tranh. Cùng với đó là cơ hội học hỏi về kỹ năng, công nghệ, quản trị... Người tiêu dùng dịch vụ tài chính sẽ được tiếp cận dễ dàng với sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh hơn.
Nhưng rủi ro bao giờ cũng ẩn nấp, có thể do các chính sách hay những yếu kém nội tại của hệ thống tài chính, hoặc những yếu tố khách quan khác. Bên cạnh đó là khả năng dịch chuyển, thậm chí đảo chiều dòng vốn có thể dẫn đến những bất ổn rất lớn. Nên tinh thần ở đây là, những nước có trình độ thấp hơn có thể tham gia sau. Nhưng trong quá trình ấy, việc lành mạnh hóa hệ thống TCNH, tiếp tục phát triển TTTC trong nước là nền tảng rất quan trọng để có thể hội nhập, liên kết tốt và thành công hơn.
Cùng với đó, quá trình mở cửa cán cân thanh toán quốc tế, đặc biệt tài khoản vốn; tăng cường hệ thống giám sát; áp dụng các chuẩn mực, thông lệ tốt của quốc tế như thế nào cũng cần quyết liệt thực hiện với lộ trình phù hợp. Do đó, việc tái cấu trúc hệ thống TCNH quyết liệt theo hướng đáp ứng được các yêu cầu về hội nhập là rất quan trọng. Đó cũng là yêu cầu tất yếu để phát triển được TTTC cân đối hơn, giảm bớt gánh nặng cũng như sự phụ thuộc của thị trường vốn lên hệ thống NH.
Cho đến nay, mức độ liên kết, hội nhập của hệ thống TCNH Việt Nam đã tăng lên rất nhiều. Nhưng rõ ràng, vẫn còn cả núi công việc phía trước cần phải làm thì mới mong có thể có được sự liên kết, hội nhập tài chính một cách có hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển nền kinh tế thực một cách bền vững.
Xin cảm ơn ông!