Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định về khả năng Trung Quốc tham gia TPP trong tương lai.
PV: - Truyền thông Mỹ vừa dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm về khả năng tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tương lai. Ông có bất ngờ trước thông tin này? Liệu khả năng Trung Quốc tham gia TPP liệu có sớm thành hiện thực?
Ông Bùi Kiến Thành: - TPP được khởi xướng bởi 5 quốc gia ban đầu mà không có Mỹ, một thời gian sau Mỹ nhận thấy TPP có lợi cho Mỹ nên mới tham gia và đóng vai trò quan trọng trong vấn đề lãnh đạo việc thương thảo TPP.
Mọi người đều có quyền nghĩ một hiệp định có 12 nước thành viên chiếm tới 40% GDP của thế giới mà không có Trung Quốc thì có thể nhằm đối đầu với Trung Quốc. Nhưng bây giờ là hội nhập kinh tế thế giới, việc mở ra một cuộc hội nhập toàn cầu không phải không thể tính tới.
 |
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành |
Tại sao trước giờ Trung Quốc không vào TPP? Nền thương mại quốc tế đã bị Trung Quốc thao túng quá nhiều. Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới với giá lao động thấp và lâu nay Mỹ phải đấu tranh với Trung Quốc về chính sách tiền tệ thấp.
Mỹ nhiều lần thương lượng với Trung Quốc để nâng giá đồng Nhân dân tệ lên nhưng Trung Quốc không chấp nhận để có lợi thế xuất khẩu. Dựa trên lợi thế đó, hàng hoá của Trung Quốc đi khắp nơi, chèn ép các quốc gia khác. Thành ra các nước phải nghĩ đến việc thành lập ra một cộng đồng, tạm gọi là để đối đầu, tự bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong năm nay các nước sẽ kết thúc vấn đề thương thảo và TPP sẽ được ký kết. TPP có mười mấy chương, mỗi chương có đặc thù riêng, ví dụ, chương về vấn đề may mặc, thực phẩm, bảo vệ lao động, quyền của người lao động, tự do dân chủ..., có rất nhiều thứ trong đó mà thương lượng không hề dễ dàng chút nào.
Khoảng tháng 9/2013 Việt Nam muốn vào TPP nhưng thương lượng còn chậm chạp, Mỹ cho biết nếu không nhanh chóng thương lượng dứt khoát từng chương một thì khi đóng chương đó lại, Việt Nam vào sẽ phải chấp nhận những gì đã được các nước quyết định với nhau trước đó.
Đối với Trung Quốc cũng vậy. Nếu Trung Quốc muốn vào TPP, không phải Tổng thống Obama mở cửa cho Trung Quốc là được. Mỹ chỉ là một quốc gia trong TPP, không phải Mỹ muốn nước nào vào thì 11 nước thành viên còn lại phải chấp nhận.
Đây là hiệp định của 12 quốc gia, Trung Quốc muốn vào thì phải thương thảo với từng quốc gia để giải quyết quyền lợi của từng nước. Nếu Mỹ và các nước khác nói rằng họ đã thương thảo xong, Trung Quốc muốn vào phải chấp nhận tất cả những gì họ đã quyết định với nhau, liệu Trung Quốc có chấp nhận?
Các quốc gia sẽ đặt điều kiện, đó là cái giá Trung Quốc phải trả để thương thảo. Cái giá đó chưa biết là gì nhưng về nguyên tắc, đây là tổ chức đối đầu với Trung Quốc, bênh vực cho quyền lợi cho 12 quốc gia để không bị Trung Quốc chèn ép. Nếu Trung Quốc vào TPP mà có lợi cho 12 quốc gia thì không phải chuyện không mở cửa mà là mở với điều kiện gì.
Ông Obama vẫn để ngỏ cánh cửa để Trung Quốc gia nhập TPP. Đó là vì trên thế giới không ai muốn có xung đột, nếu có thể thương thảo để giải quyết thì luôn có cửa. Không phải chiến tranh về kinh tế mà loại trừ chiến tranh, xung đột về lĩnh vực khác.
Ví dụ, Trung Quốc muốn vào TPP, trong TPP có điều kiện về nhân quyền, về tôn trọng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tự do hàng hải, Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông thế nào? Các câu chuyện đó sẽ được đặt ra, Trung Quốc phải thảo luận với các nước về vấn đề mà họ quan tâm.
Bởi vậy, việc Trung Quốc bắn tin về khả năng gia nhập TPP trong tương lai và tuyên bố của Mỹ, về mặt ngoại giao, ổn định thế giới là việc bình thường, còn mời vào để thương lượng là chuyện khác.