Tài chính - Ngân hàng
Lãnh đạo NHNN: Nợ xấu tăng là điều tất yếu, sẽ trình luật hóa Nghị quyết 42
NDH - 14 Tháng Mười 2021        -

  • NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực dự phòng rủi ro tùy theo năng lực và sức khỏe tài chính.
  • Cơ quan Nhà nước sẽ trình đề xuất kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ hoặc luật hóa.

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề cập dịch bệnh khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp không có dòng tiền, không thể trả nợ. Do đó, nợ xấu nền kinh tế phát sinh là điều tất yếu.

Thời gian qua, NHNN luôn cố gắng giải quyết hài hóa giữa mở rộng tín dụng và tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát diễn biến nợ xấu, rút kinh nghiệm từ quá khứ.

Theo Phó Thống đốc, 10 năm qua, việc xử lý nợ xấu rất vất vả và phải có Nghị quyết 42 để hỗ trợ. Nếu không có dịch, mục tiêu nợ xấu dưới 3% sẽ đạt được. Nhưng do tác động của Covid-19, tốc độ tăng nợ xấu tăng khá nhanh.

Đến nay, nợ xấu nội bảng hiện hữu khoảng 2% và nợ tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu khoảng 8%. Trong bối cảnh này, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực phòng ngừa rủi ro, đẩy mạnh trích lập dự phòng.

Ngân hàng đã cho phép các ngân hàng trích lập trong 3 năm mỗi năm tối thiểu 30% nợ cơ cấu lại. Theo Phó Thống đốc, việc dự phòng sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của các ngân hàng, "anh nảo khỏe trích hết, anh nào yếu thì trích dần".

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang trình Quốc hội đánh giá tổng kết Nghị quyết 42, đề xuất tiếp tục kéo dài hoặc luật hóa để tạo khuôn khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu. Quan điểm của NHNN, nợ xấu là vấn đề quan trọng với nền kinh tế, liên quan đến hệ số tín nhiệm nền kinh tế, đánh giá năng lực tài chính của ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói về tình hình nợ xấu. Ảnh: NHNN.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói về tình hình nợ xấu. Ảnh: NHNN.

Vừa qua, Chính phủ có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Báo cáo đề cập trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đến 30/6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống là 1,73%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết số 42.

Tính từ cuối năm 2017 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 677.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng. Trong đó, nợ xấu do các ngân hàng tự xử lý là 554.600 tỷ đồng (chiếm 81,92%), nợ xấu bán cho VAMC là 110.300 tỷ đồng (chiếm 16,29%). Nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 12.100 tỷ đồng, chiếm 1,8%. Tính riêng từ 30/6/2020 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 188.700 tỷ đồng nợ xấu nội bảng.

Đến cuối tháng 6, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020 và có số dư 384.960 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,66% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.

Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 (đã sửa đổi, bổ sung) có nguy cơ chuyển thành nợ xấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

 
 
 
Tin nổi bật
 
 
 
Các chỉ số CK thế giới
Thị trường Chỉ số Thay đổi

Xem thêm
 
 
 

Hội sở

Địa chỉ: Tầng 1, 4 và 7, tòa nhà số 8 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 3928 8080  -   Fax: (84-24) 3928 9888
Email: info@bvsc.com.vn

Chi nhánh Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Lầu 8, Tòa nhà Tập đoàn Bảo Việt, 233 Đồng Khởi, Quận 1, Tp.HCM
Điện thoại: (84-28) 3914 6888  -   Fax: (84-28) 3914 7999
Email: info@bvsc.com.vn