Bất chấp làn sóng đại dịch bùng phát phức tạp ảnh hưởng đến nền kinh tế, thị trường chứng khoán vẫn thuận đường thăng hoa khi chỉ số Vn-Index ghi nhận mức tăng 21% trong 8 tháng đầu năm cùng với thanh khoản "khủng", nhiều phiên đạt giá trị giao dịch lên tới 2 tỷ USD.
Trước diễn biến này, các công ty chứng khoán được giới chuyên gia phân tích dự báo sẽ có kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng.
Những "vận động viên" đã về đích
Dù tháng cuối cùng của quý III mới chỉ đi được nửa đường nhưng mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty chứng khoán VNDirect (mã: VND) đã thông qua nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Theo đó, VNDirect sẽ điều chỉnh kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2021 lên mức 3.951 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên mức 1.600 tỷ đồng, tương đương mức tăng lần lượt đạt 55% và 82% so với kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua hồi đầu năm.
VNDirect cho biết, trong 7 tháng đầu năm, công ty đã ghi nhận 2.209 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận sau thuế là 1.056 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ, vượt 20% mục tiêu ban đầu. Thậm chí, nếu so sánh với kế hoạch mới, công ty cũng đã hoàn thành được 66% mục tiêu lợi nhuận chỉ sau 7 tháng.
Tương tự VNDirect, Công ty chứng khoán SmartInvest (mã: AAS) cho biết kết quả kinh doanh 8 tháng ghi nhận doanh thu 467 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 100 tỷ đồng - vượt xa mức kế hoạch ban đầu là 4,8 tỷ đồng. Công ty đã xin ý kiến cổ đông thông qua việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên 200 tỷ đồng, gấp 42 lần chỉ tiêu ban đầu.
Trước đó, Công ty chứng khoán Trí Việt (mã: TVB) cũng đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế lên 200 tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch được đại hội thông qua. Được biết, nửa đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 163 tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch năm.
Một "ông lớn" khác của ngành chứng khoán là Công ty chứng khoán SSI (mã: SSI) cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm đạt 1.872 tỷ đồng, cao hơn 2 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.
Ở nhóm có quy mô nhỏ hơn như Công ty chứng khoán BIDV (BSC, mã:BSI) ghi nhận 216 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 20% kế hoạch đề ra chỉ trong nửa đầu năm 2021. Cũng trong giai đoạn này, Công ty chứng khoán SHS (mã: SHS) đạt 722 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 96% kế hoạch năm; Hay như Công ty chứng khoán Thành Công (mã: TCI) vừa qua đã ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 240 tỷ và 175 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch lần lượt là 129% và 175%.
Cẩn trong khi "đu đưa" cổ phiếu
Với "bức tranh" lợi nhuận tươi sáng của ngành chứng khoán, vừa qua, quỹ Dragon Capital đã đưa ra dự báo, cổ phiếu ngành chứng khoán sẽ tiếp tục tăng giá, bình quân trên 18%.
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi trong bối cảnh hiện tại, chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư có sức hút lớn nhất bởi mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng vẫn ở mức thấp, trong khi các kênh đầu tư khác lại không tồn tại yếu tố chắc chắn.
Thực tế, trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán đều ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục tính từ đầu năm. Có thể kể đến mức tăng gấp 4,6 lần của VND, hay như SSI với 97%; ASS tăng 104%, BSI gần 126%, HCM của Chứng khoán HSC là gần 70%...
Những mức tăng đáng nể nói trên của cổ phiếu chứng khoán được đến từ kỳ vọng về việc thị trường liên tiếp đi lên, giá trị giao dịch tăng mạnh sẽ giúp các công ty chứng khoán thu được khoản lớn từ phí môi giới, cho vay...Tuy nhiên, nếu bóc tách kỹ sẽ không hẳn như vậy.
Theo ông Huỳnh Tuấn, Giám đốc môi giới đầu tư Hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset, gần 80% doanh thu phí môi giới các công ty chứng khoán đều phải trang trải lương thưởng và trả lại cho môi giới, công ty chứng khoán chủ yếu ghi nhận phần lãi sản phẩm tài chính cho vay margin.
Thế nhưng, trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán giao dịch khá bấp bênh và nếu hiện tượng này vẫn tiếp tục diễn ra, nhà đầu tư không dùng nhiều margin nên phần thu từ khoản mục này sẽ là một vật cản.
Ngoài ra, danh mục tự doanh cũng là một phần không thể thiếu trong cơ cấu lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Nếu khoản mục này lãi lớn, tất nhiên các doanh nghiệp sẽ thắng to nhưng ngược lại giá cổ phiếu giảm mạnh thì khoản lãi từ mảng này sẽ teo tóp.
Trong khi đó, như chúng ta đều biết, trước sự thăng hoa của thị trường trong hơn nửa năm 2021 thị giá nhiều cổ phiếu đã chạm, thậm chí vượt đỉnh khiến cơ hội "nổi sóng" gần như là không còn.
Thêm một yếu tố cần lưu ý là trong danh mục của nhiều công ty chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn mà đây lại là một trong những mã "nguy hiểm" nhất thị trường. Hơn nữa, yếu tố hưởng lợi từ diễn biến chung chỉ mang tính thời vụ, không bền vững.
Đặc biệt, theo quan sát của các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, mức giá của nhiều cổ phiếu chứng khoán đã vượt qua giá trị thực của công ty. Dẫn ví dụ điển hình như thị giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán đang chịu cảnh "sống mòn" chỉ chờ tìm kiếm đối tác để bán lại như BMS, APG... cũng đã về gần 2x.