Tin bất động sản
“Vòng kim cô” pháp lý trói khối tài sản “khủng”
DTCK - 19 Tháng Năm 2022        -

30 tỷ USD bị “giam lỏng”

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến tháng 9/2021, tại 15 địa phương gồm Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang, có tới 239 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với hơn 114.097 căn hộ condotel, 24.399 villas và 30.899 shophouse (nhà phố thương mại), tổng giá trị lên tới 30 tỷ USD.

Điều đáng nói là dù nguồn lực này rất lớn, trong đó nhiều dự án đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành, nhưng đang phải chịu phận “con ghẻ”, bởi sau thời gian bùng nổ và được kỳ vọng là “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà phát triển dự án, là trụ cột mới cho thị trường bất động sản, nhưng tới nay pháp lý cho nhiều sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới vẫn chưa được hoàn thiện, khiến người trong cuộc “rối lòng”.

Đến tháng 5/2022, khi ngành du lịch hoàn toàn mở cửa trở lại, một lần nữa câu chuyện pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được đem ra mổ xẻ. Ông Hoàng Thái Sơn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Long Beach Land cho rằng, khách hàng sau khi mua, cho thuê mua bất động sản du lịch, việc xác lập quyền sở hữu thông qua cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Sơn, việc các địa phương phát triển mạnh du lịch như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa... sáng tạo khái niệm “đất ở nhưng không hình thành đơn vị ở” để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài đã giúp thị trường bất động sản du lịch phát triển, một số dự án đã thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, hoàn thành nghiệm thu đi vào hoạt động, qua đó thúc đẩy tăng tốc độ và quy mô phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước.

Chờ ngày giải thoát

Theo TS. Lê Trường Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, thị trường du lịch, nghỉ dưỡng đang rất cần một cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý, cấp phép cho hoạt động này. Ngoài ra, cần cấp quyền sở hữu cho loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng để tạo hành lang pháp lý cụ thể và sự an tâm cho nhà đầu tư.

Còn ông Hoàng Thái Sơn nhìn nhận, cần nhanh chóng luật hóa để giải quyết cấp bách vướng mắc pháp lý cho các dự án du lịch, nghỉ dưỡng nhằm khơi thông hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị ứ đọng, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế.

“Cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua, cho thuê mua sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với trọng tâm là nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các sắc luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… theo hướng đồng bộ, thống nhất, quy định cụ thể, chi tiết các khái niệm, bản chất và hình thức bất động sản du lịch… Đây là cơ sở quan trọng để hạn chế tình trạng tự phát làm bất động sản du lịch tại nhiều địa phương như thời gian qua”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong ngắn hạn, cần ưu tiên xử lý các vướng mắc pháp lý dự án du lịch, nghỉ dưỡng, có cơ chế quản lý sử dụng đất phù hợp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền tài sản cho người mua.

Với những dự án xây đã xây dựng và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, theo chuyên gia này, cơ quan quản lý địa phương cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài cho các nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời bổ sung quy hoạch sử dụng đất phù hợp. Các dự án và sản phẩm được hợp thức hóa phải đóng bổ sung tiền chuyển đổi mục đích theo giá thị trường và thuế sử dụng đất hàng năm do địa phương ban hành.

 
 
 
Tin nổi bật
 
 
 
Các chỉ số CK thế giới
Thị trường Chỉ số Thay đổi

Xem thêm
 
 
 

Hội sở

Địa chỉ: Tầng 1, 4 và 7, tòa nhà số 8 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 3928 8080  -   Fax: (84-24) 3928 9888
Email: info@bvsc.com.vn

Chi nhánh Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Lầu 8, Tòa nhà Tập đoàn Bảo Việt, 233 Đồng Khởi, Quận 1, Tp.HCM
Điện thoại: (84-28) 3914 6888  -   Fax: (84-28) 3914 7999
Email: info@bvsc.com.vn