Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của nửa đầu năm 2022, VN-Index dừng tại mức 1.197,6 điểm. So với tháng 5 trước đó, chỉ số chung đã giảm 7,4%. Nhìn rộng hơn, sau 6 tháng giao dịch, VN-Index đã giảm tổng cộng 300 điểm, tương ứng 20,07% so với thời điểm cuối năm 2021 và nằm trong top chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất thế giới.
Biến động tiêu cực
Theo số liệu từ Bloomberg, với mức điểm chốt tháng 6 đã đưa định giá P/E VN-Index chỉ còn 13 lần, trong khi mức đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 6/2021 từng ở mức hơn 19 lần. Mức P/E hiện tại cũng thấp hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 15 lần.
Vốn hóa toàn thị trường tương ứng giảm hơn 1,22 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 53,3 tỷ USD trong đó riêng sàn HoSE đã mất 1,08 triệu tỷ đồng (khoảng 49,6 tỷ USD).
Có thể thấy, thời gian qua, nhất là khoảng 3 tháng gần đây, hàng loạt thông tin bên ngoài tác động như chiến tranh Nga - Ukraine, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao, cùng các biện pháp cứng rắn nhằm tăng sự minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam... đã gây ảnh hưởng khá lớn đến thị trường, khiến chỉ số chung biến động thất thường theo chiều hướng tiêu cực.
Theo đó, hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, thậm chí nhiều mã đã mất trên 60% và lùi xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Dữ liệu của FiinPro cho thấy, tính đến phiên 28/6, trên 3 sàn giao dịch (HoSE, HNX và UPCoM) có tổng cộng 528 mã cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá. Trong đó, 56 mã có khối lượng khớp lệnh bình quân 3 tháng trên 500.000 đơn vị/phiên.
Đáng chú ý, có tới 218 cổ phiếu ở trên mệnh giá vào phiên 6/1 (thời điểm VN-Index chạm mức đỉnh lịch sử với 1.528,57 điểm) nhưng hiện đang lùi dần về mức giá cũ. Thậm chí, nhiều nhóm cổ phiếu từng gây “choáng” vì mức tăng đột biến trong năm 2021 như Louis Holdings, Trí Việt… cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Chẳng hạn, cổ phiếu TVB của Chứng khoán Trí Việt đã mất hơn 68,7% giá trị kể từ phiên 6/1: từ mức 23.667 đồng/cp xuống chỉ còn 7.400 đồng/cp. Tương tự, BII của Louis Land cũng mất hơn 66,4% giá trị, về chỉ còn 4.500 đồng/cp. Diễn biến tương tự cũng xảy ra đối với TGG của Louis Capital.
Không chỉ trong xu hướng giảm điểm, thanh khoản thị trường cũng giảm sút mạnh, làm dấy lên lo ngại về dòng tiền đang rút dần khỏi thị trường. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE ghi nhận trong tháng 6/2022 chỉ đạt 13.182 tỷ đồng, mức thấp nhất trong một năm trở lại đây và giảm 57% so với đỉnh ghi nhận tháng 11/2021 (gần 31.000 tỷ đồng/phiên).
Thực tế cho thấy, số lượng tài khoản mở mới vẫn rất nhiều, thậm chí vẫn vượt mức kỷ lục, nhưng VN-Index vẫn không bứt phá. Dù thị trường vẫn ghi nhận có những phiên tăng, nhưng chỉ cần giảm 1 phiên đã mất hết thành quả tăng 2-3 phiên, bởi thanh khoản đang chuyển động theo xu hướng giảm dần đều từ tháng 11/2021 đến nay.
“Khi thanh khoản thấp đúng là đáng lo, nhưng lo hơn là giảm dần đều. Thậm chí, tháng sau còn thấp hơn nhiều so với tháng trước, trong khi giá lên thì thanh khoản giảm, giá xuống thì thanh khoản tăng. Đây là nghịch lý cho thấy dấu hiệu dòng tiền trên thị trường đang âm, tức dòng tiền rút ra nhiều hơn đổ vào”, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank lưu ý.
Yếu tố hỗ trợ thị trường
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn, chủ yếu đến từ căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn kỳ vọng của thị trường cũng như lạm phát ở Việt Nam cao hơn dự kiến. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam và khiến tâm lý của các nhà đầu tư càng ngày càng trở nên e dè hơn, khiến chỉ số chung khó bứt phá mạnh.
Tuy nhiên, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định, mặc dù lãi suất và lạm phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền nhưng sẽ có 3 yếu tố tích cực có thể tác động đến thanh khoản thị trường thời gian tới.
Đó là lạm phát có khả năng tạo đỉnh trong quý III sẽ giúp quá trình tăng lãi suất chậm lại và tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp được công bố cũng là một động lực cho thị trường, khi nhiều doanh nghiệp niêm yết có kết quả khả quan do hồi phục từ mức đáy sau dịch Covid. Ngoài ra, định giá nhiều nhóm cổ phiếu về vùng hấp dẫn khi nhiều cổ phiếu đã chiết khấu mạnh trong thời gian qua, cũng là một yếu tố có thể kích thích dòng tiền quay trở lại trong thời gian tới.
Theo góc độ khác, ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của CSI cho rằng, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ ưu tiên hành động để chống lạm phát mặc dù có thể phải hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được lạm phát tốt và đủ dư địa chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định nền kinh tế.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu lạm phát có vượt mục tiêu 4% của Chính phủ nhưng dưới ngưỡng 10% thì TTCK vẫn được coi là kênh đầu tư tiềm năng. Theo nhiều chuyên gia, lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong đà tăng trưởng ở mức trên 6,5% (nhiều dự đoán triển vọng tăng trưởng cao: S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9%; Ngân hàng UOB Singapore giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt 6,5%...) thì đây vẫn là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, những yếu tố tích cực và tiêu cực vẫn luôn đan xen. Cơ hội vẫn luôn tồn tại, không chỉ khi thị trường tăng giá mà ngay cả khi thị trường giảm điểm. Nhà đầu tư nên quản lý danh mục thận trọng và có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư phù hợp với mình, bởi không có gì là giảm mãi và cũng không có cổ phiếu nào tăng mãi.
“Nhà đầu tư sáng suốt sẽ luôn tìm được cơ hội khi nhiều cổ phiếu giảm sâu về mức giá có thể chấp nhận được và họ tin chắc rằng, trong một thời gian, thị trường sẽ nhận ra giá trị của chúng và đưa mức giá về vị trí cân bằng, hợp lý hơn phản ánh đúng về thực trạng, triển vọng của doanh nghiệp. Quý III năm nay có thể là bước ngoặt để các nhà đầu tư xuống tiền khi lạm phát đạt đỉnh. Theo đó, nhà đầu tư nên chú ý tới những ngóm ngành hưởng lợi từ lạm phát”, một chuyên gia khuyến nghị.