Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích, trước những biến động khó lường trên thế giới, có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023, nên áp lực tăng lãi suất tiết kiệm vẫn hiện hữu.
"Ông lớn" quốc doanh nâng lãi suất kỳ hạn ngắn lên kịch trần
Biểu lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" trong vài tuần gần đây, đặc biệt là sau khi các ngân hàng đồng thuận đưa lãi suất tiết kiệm về mức tối đa 9,5%/năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những biến động khó lường trên thế giới, áp lực kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá vẫn còn, áp lực tăng lãi suất vì thế vẫn hiện hữu.
Thực tế, mặc dù các ngân hàng đã có động thái tích cực là đưa lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm từ mức trên 10%/năm được niêm yết trước đó, song một số ngân hàng đang "rục rịch" tăng lãi suất tiết kiệm.
Điển hình như tại Vietcombank – ngân hàng thuộc nhóm nhà băng có lãi suất huy động thấp nhất và giữ ổn định nhất, vừa qua cũng đã điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động cho tiền gửi trực tuyến, trong đó các kỳ hạn ngắn đều lên mức kịch trần.
Cụ thể, với các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, lãi suất được cộng thêm lần lượt 0,8%/năm và 0,3%/năm, lên tối đa 6%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa niêm yết biểu lãi suất mới, tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng lên mức 9,5%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng lên thành 6%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng niêm yết lãi suất huy động ở mức cao. Tại SCB đang huy động tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại quầy là 9,7%/năm và gửi trực tuyến là 9,9%/năm; từ 12 tháng trở lên, lãi suất huy động đồng loạt là 9,95%/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này.
SCB hiện đang áp dụng chính sách cộng lãi suất thêm tới 1,5%/năm cho khách hàng gửi tiền tại quầy, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, trong giai đoạn từ nay đến hết ngày 28/2/2023. Như vậy, lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể hưởng tại SCB lên tới 11,45%/năm.
Hay như NCB huy động với lãi cao nhất là 9,9%/năm dành cho sản phẩm tiết kiệm An Phú trực tuyến, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm truyền thống cùng kỳ hạn, lãi suất là 9,7%/năm.
Ngoài ra, NCB còn cộng thêm 0,2%/năm lãi suất so với biểu lãi suất online khi gửi trên ứng dụng NCB iziMobile. Ưu đãi dành cho khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm tại NCB.
Xu hướng lãi suất khó ngược chiều thế giới
Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, lãi suất huy động của phần lớn các ngân hàng thương mại tuy đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" trong vài tuần gần đây nhưng vẫn có khả năng sẽ điều chỉnh tăng trở lại. Bởi, trước những biến động khó lường trên thế giới, áp lực kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá vẫn còn, áp lực tăng lãi suất vì thế vẫn hiện hữu.
Phân tích về những nhân tố căn bản xác định đường đi của lãi suất năm 2023, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, lãi suất bao giờ cũng gắn với lạm phát. "Bức tranh chung mà ta có thể nhìn thấy của đa số các quốc gia trên thế giới năm 2022 là lạm phát cao hơn lãi suất. Chênh lệch giữa lãi suất trừ lạm phát gọi là lãi suất thực. Lãi suất thực của đồng tiền của các quốc gia phổ biến là âm", ông Phước phân tích.
Với Việt Nam, lãi suất thực của VND là tương đối lớn. Đây có thể xem là một lợi thế trong kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất do lãi suất điều hành của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19 trong khi mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Bên cạnh đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%.
Còn trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo, NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong quý I/2023 và giữ nguyên cho đến cuối năm 2024 nhằm duy trì sự ổn định.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lãi suất huy động sẽ không còn "hot" như năm 2022. Theo mặt bằng lãi suất huy động sẽ khó có thể giảm, nhưng sẽ không tăng.
Cơ sở đưa ra dự báo này là do, áp lực tăng lãi suất năm 2023 sẽ nhẹ nhàng hơn bởi áp lực lạm phát thế giới giảm bớt, nhiều quốc gia hiện đã qua đỉnh lạm phát. Ngân hàng trung ương các nước sẽ giảm dần mức độ tăng lãi suất, như vậy mức độ áp lực với việc điều hành tăng lãi suất của Việt Nam cũng sẽ thấp hơn.