"Miếng bánh" SASCO có thực sự hấp dẫn?

icon

Với tiềm năng và lợi thế độc quyền kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay, cổ phần SASCO đang là "hàng hiếm", được nhiều NĐT săn lùng, sẵn sàng mua với giá cao gấp vài lần mệnh giá.

Đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của SASCO - Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất đã thành công mỹ mãn. Đã có 12 NĐT trúng đấu giá mua tổng số 31.097.900 cổ phần, chiếm 23,65% vốn điều lệ của công ty. Xét về giá, NĐT muốn sở hữu cổ phần SASCO đã phải chi bình quân là 19.330 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi so với mức giá khởi điểm (10.000 đồng/cổ phiếu). Đợt chào bán cổ phần này đã đem về cho SASCO 601,1 tỷ đồng.

"Cháy hàng" trước khi lên sàn!

So với các phiên đấu giá cổ phần của DNNN kể từ đầu năm 2104 đến nay, cổ phần SASCO đã "cháy hàng" ngay từ khi thông báo chào bán.

Theo thông tin từ Sở GDCK Tp.HCM (HSX), đã có 216 NĐT đăng ký mua cổ phần với tổng khối lượng đặt mua là 145.081.900 cổ phần, gấp 5 lần số lượng chào bán. Trong đó, có NĐT đã đặt mua tới 31.000.000 cổ phần và mức giá đặt mua cao nhất là 35.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả, người mua trúng giá thấp nhất là 19.200 đồng/cổ phiếu, cao nhất là 35.000 đồng/cổ phiếu cũng không nằm ngoài dự đoán.

Đây cũng là phiên đấu giá cổ phần có quy mô lớn nhất và nhận được sự quan tâm nhất trong năm nay. Song song với đợt chào bán này, SASCO cũng đang xúc tiến tìm kiếm, lựa chọn NĐT chiến lược để chuyển nhượng 23,6% cổ phần, tương ứng 31.034.000 cổ phần.

Theo thông tin công bố trong cuộc họp báo gần đây, SASCO cho biết, nhóm 3 công ty của "ông trùm hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Imex Pan Pacific, đã ngỏ ý muốn trở thành cổ đông chiến lược, đăng ký mua toàn bộ số cổ phần này.

Trong đó, lượng đặt mua của Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP) chiếm 16% vốn điều lệ, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) là 5%, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm châu Âu (ACFC) là 2,6%.

Với bề dày kinh nghiệm và uy tín của nhà phân phối hàng hiệu cao cấp tại thị trường Việt Nam, nhóm công ty của Jonathan Hạnh Nguyễn có thể hỗ trợ SASCO mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ hậu cần tại sân bay. Vì hiện nay, SASCO là DN duy nhất được quyền kinh doanh cửa hàng miễn thuế, dịch vụ ăn uống, phòng khách hạng thương gia, dịch vụ vận chuyển tại khu vực cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…

Bà Đoàn Thị Mai Hương, Phó Tổng Giám đốc SASCO, cũng cho hay việc đàm phán với các đối tác chiến lược sẽ hoàn thành trước thời điểm IPO. Đến thời điểm này, SASCO vẫn chưa công bố kết quả lựa chọn cũng như thông tin về đợt chào bán cổ phần cho NĐT chiến lược. Nhưng nhóm công ty của Imex Pan Pacific hiện là ứng cử viên sáng giá nhất, xét về tiềm lực, uy tín và chiến lược kinh doanh.

Có nhiều yếu tố lý giải vì sao cổ phần SASCO hấp dẫn NĐT trong và ngoài nước như vậy. Được biết, SASCO là một trong những DNNN lớn đầu tiên của Bộ GT-VT (thành lập năm 1993) phải rốt ráo cổ phần hóa (CPH), bán cổ phần ra công chúng trong năm 2014.

Giá trị nằm ở "đất vàng"

Sau 21 năm hình thành và phát triển, vốn điều lệ của công ty đã đạt mốc 1.315 tỷ đồng, tương ứng 131,5 triệu cổ phần. Nếu tính theo mức giá trúng đấu giá bình quân, thì giá trị vốn hóa của SASCO lên tới 2.541 tỷ đồng.

Theo phương án CPH, tình hình kinh doanh của SASCO trong 3 năm trước CPH (2011-2013) rất khả quan. Cụ thể, đến cuối năm 2013, tổng tài sản đạt 1.563 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 911 tỷ đồng. Tổng doanh thu và thu nhập khác tăng liên tục, lần lượt là 1.831 tỷ đồng (2011), 1.950 tỷ đồng (2012) và 2.147 tỷ đồng (2013), lợi nhuận sau thuế tương ứng là 86,6 tỷ đồng, 98,9 tỷ đồng và 92,3 tỷ đồng.

Về công nợ, SASCO không có nợ dài hạn, chỉ có hơn 112 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 325 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi. Theo công bố của SASCO, trong 6 tháng đầu năm 2014, công ty đạt doanh thu 1.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 83 tỷ đồng và có khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm 180 tỷ đồng. Mức cổ tức năm 2014 dự kiến là 9% và tăng lên 11% năm 2015.

Thế nhưng, sức hấp dẫn của SASCO còn nằm ở việc công ty hiện đang quản lý, sử dụng tổng diện tích đất 1.493.080m2 đất tại các địa bàn Tp.HCM, Bình Dương, Đà Lạt, Phú Quốc (đã cơ bản sắp xếp xong).

Trong số này, có vị trí đắt địa nhất là khu đất nhà điều hành của SASCO nằm tại Sân bay Tân Sơn Nhất rộng 22.115m2, và khu đất Suối Hoa (Tp.Đà Lạt) rộng 1,3 triệu m2 đang triển khai dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái.

SASCO cũng đang làm thủ tục lập dự án với khu đất vị trí đẹp ở số 108, 112B, 114 Hồng Hà (phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM). Ngoài ra, công ty đã nhận chuyển nhượng 11 khu đất ở Bình Dương, Kiên Giang, có diện tích từ 3.000 - 30.000m2, đang là văn phòng xây dựng trang trại, vườn cây…

Tại thời điểm 31/12/2013, giá trị thực tế của DN được xác định khi CPH là hơn 1.989 tỷ đồng, cao hơn mức vốn điều lệ hiện tại (1.315 tỷ đồng). Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 1.313 tỷ đồng.

Trong 2 năm đầu sau CPH, Nhà nước vẫn nắm 51% vốn SASCO, nhưng sau đó, sẽ thoái dần vốn xuống còn 30%. Có thể thấy, việc chuyển giao tới 70% vốn tại một DN có nhiều lợi thế, tiềm năng như SASCO hẳn là cơ hội không thể bỏ qua của bất cứ NĐT nào.